Tam Giác Sự Sống (Triangle of Life)
October 20, 2012 by Kinh Nguyen
Tam giác sự sống (Triangle of Life) là một khái niệm gây nhiều tranh cãi về cách sống sót trong một trận động đất. Khái niệm này đưa ra một lời khuyên hoàn toàn khác với lời khuyên chủ đạo xưa nay là “Cúi thấp, Bảo vệ đầu,cơ thể và Bám chặt” (drop, cover, and hold on) đưa ra bởi nhiều cơ quan cứu hộ danh tiếng. [1][2][3][4][5][6]
Tuy nhiên, người đưa ra phương pháp này (qua các email được truyền từ người này sang người khác – viral emails) là Doug Copp khuyên rằng khi động đất xảy ra, người ở trong các tòa nhà cần tìm chỗ trú ẩn gần các trang thiết bị vững chắc nơi có thể tạo ra một không gian an toàn, khoảng không này có thể giúp tránh bị thương tích hay sống sót khi tòa nhà bị sập, điều này hoàn toàn ngược lại lời khuyên là ẩn nấp ngay xuống dưới gầm bàn. Nhiều cơ quan đã có những hồi đáp chính thức về phương pháp này. [7][8][9]
TAM GIÁC SỰ SỐNG
Theo phương pháp của Copp, khi nhà bị sụp đổ, sức nặng của trần nhà rơi trên các đồ vật trong phòng có xu hướng sẽ đè bẹp chúng, tuy nhiên lúc này các trụ cao của các đồ vật sẽ đóng vai trò như các cột trụ sẽ tạo ra các khoảng không hình tam giác gần nó khi trần nhà rơi xuống và tạo thành một mái nghiêng. Copp mô tả khoảng không sống sót này là “triangle of life”. Đồ vật càng cao và vững thì càng ít bị nén và tạo ra khoảng trống lớn hơn. Có thể tìm thấy rất nhiều các khoảng trống như lý thuyết của Copp trong các tòa nhà bị sụp.
PHƯƠNG PHÁP "DROP, COVER AND HOLD ON"
TẠM DỊCH CÚI THẤP, BẢO VỆ ĐẦU VÀ CƠ THỂ VÀ BÁM CHẶT
NHỮNG ĐIỀU GÂY TRANH CÃI
Theo tổ chức Cứu hộ Địa chất Hoa kỳ, Tam giác Sự sống là là một hướng dẫn sai lầm về nơi trú ẩn tốt nhất mà người ta nên cố tìm đến khi gặp động đất.[10] Các nhà chuyên môn cho rằng thật sự là rất khó để biết khoảng tam giác này sẽ tạo thành ở đâu, khi các đồ vật (kể cả các đồ vật to và nặng) thường sẽ di chuyển lung tung trong trận động đất. Do đó việc nằm gần các đồ vật di chuyển to lớn và nặng nề như vậy là rất nguy hiểm.[11] Các thống kê của các nghiên cứu về động đất cho thấy các trường hợp chấn thương/tử vong hầu hết là do bị các đồ vật rơi, đổ vào người chứ không phải là do tòa nhà. Thêm vào đó, khả năng bị thương của bạn sẽ cao hơn khi bạn cố di chuyển trong trận động đất hơn là ngay lập tức trú vào chỗ an toàn gần nhất (các khoảng không an toàn của các đồ vật như gầm bàn, hoặc ở sát tường (Hội Chữ thập đỏ Mỹ đã không còn khuyến nghị tránh vào các chỗ cửa ra vào vì chỗ cửa ra vào thường không có kết cấu vững chắc [12]). Các trú ẩn này cộng với một công nghệ xây dựng tốt và các đội tìm kiếm và cứu hộ được đào tạo bài bản là cách tốt nhất để hạn chế thương vong trong động đất. Tam Giác Sự Sống vô tình đã khuyến nghị mọi người đặt họ vào một tình trạng nguy cơ cao hơn khi di chuyển để tìm kiếm Tam giác sống mà họ khó có khả năng tìm được kịp thời.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý là sựu khác biệt về chất lượng các tòa nhà ở các nước phát triển và các nước đang phát triển có thể dẫn đến cách sống sót khác nhau: "Hội chữ thập đỏ không tuyên bố rằng tìm kiếm các khoảng không an toàn là sai hay không hợp lý. Những gì họ khuyến nghị rằng "Cúi thấp, Bảo vệ đầu và cơ thể, và Bám chặt!" là không sai - ở Mỹ - và họ không khuyến nghị áp dụng cách này cho các nước khác. Điều áp dụng được ở chỗ này chưa chắc đã áp dụng được ở chỗ khác do đó có thể Tam giác Sự sống có thể thực sự là cách tốt nhất ở những nơi mà nguy cơ nhà sụp đổ là lớn ngay cả trong những trận động đất nhỏ."
CÁC THỬ NGHIỆM
Mahdavifar và cộng sự (2010) đã phân tích và so sánh hai phương pháp trên một cách chi tiết và cho rằng phương pháp "Cúi thấp, Bảo vệ đầu, cơ thể, và Bám chặt " là hữu ích cho những trận động đất nhỏ và không có sự sụp đổ còn Tam giác Sự sống sẽ tốt hơn trong các trận động đất lớn với sự sụp đổ cả khung gỗ hay bê tông, nhưng việc các đồ vật di chuyển và va đập cộng với việc truyền tải phương pháp Tam giác sự sống không dễ dàng là điều cần xem xét.
Cuối cùng, dựa trên sự đơn giản trong phương pháp giảng dạy cho cộng đồng cùng với sự thật là người ta bị tác động và bị thương bởi các đồ vật gấp 12000 lần so với tác động của sự sụp đổ trong những trận động đất nhỏ, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng phương pháp truyền thống là "Cúi thấp, Bảo vệ đầu và cơ thể, và Bám chặt!" vẫn được xem là cách tốt hơn để sống sót trong trận động đất. [13]
Vào năm 1996, Copp tuyên bố đã quay lại một phim chứng minh về phương pháp của mình qua cách tái hiện mô hình nhà và trường học, ông dùng 20 ma-nơ-canh để mô phỏng. Tuy nhiên, Marla Petal, một nhà phê bình, đã tuyên bộ rằng đó chỉ là một bài tập cứu hộ chứ không phải là thử nghiệm như Copp nói, và vì trong ví dụ được đưa ra chưa mô phỏng được chuyển động bề mặt của động đất nên kết quả là không thuyết phục.[11]
Trong phim này tòa nhà và các cột chống đỡ bị làm sụp, 10 ma-nơ-canh được đặt trong vị trí 'Cúi thấp, Bảo vệ đầu và thân thể, và Bám chặt' và 10 ma-nơ-canh còn lại trong vị trí mà Copp gọi là 'Tam giác sự sống'. Khi Copp và đồng sự vào xem xét sau đó họ thấy không có ma-nơ-canh nào “sống sót” trong tư thế 'Cúi thấp, Bảo vệ đầu và thân thể, và Bám chặt', và 100% sống sót trong các tam giác của ông.
Ý KIẾN TÁC GIẢ
Trong các dẫn chứng trên có những điểm sau cần chú ý:
- Áp dụng phương pháp của COBB ta sẽ phải trước tiên để toàn thân không được bảo vệ (hình)
- Khi động đất ta sẽ không được biết là nó sẽ xảy ra lớn hay nhỏ nên việc xem lớn hay nhỏ để chọn biện pháp là lý thuyết.
- Thí nghiệm của Copp đã loại trừ mất khoảng thời gian nguy cơ khi một người phải di chuyển đến tam giác an toàn- đây là thời gian nguy hiểm, ông đã đặt sẵn các ma-nơ-canh trong tam giác an toàn.
Tóm lại, để tránh chấn thương và sống sót trong động đất khi đang ở trong các tòa nhà, điều bạn cần làm vẫn là tìm chỗ trú gần nhất nơi có thể che chở ít nhất là đầu và ngực, hạn chế di chuyển, bám chặt vào các thiết bị này.Có nên chăng ở những vùng thường xảy ra động đất, nếu có thể ta bố trí các bàn làm việc gần các tam giác an toàn, ví dụ đặt bàn gần với kệ sách.