Dịch tễ học đối diện với những hạn chế [Phần Cuối]: Một liên minh xấu xa
February 9, 2014 by Kinh Nguyen
Brian MacMahon, giáo sư danh dự về dịch tễ học tại Đại học Harvard, trong một bài xã luận viết cho tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ vào tháng 4-1994 nói rằng "việc công bố các mối liên quan yếu, không chắc chắn sẽ hạn chế bớt nếu như các nhà dịch tễ học làm việc xa rời xã hội". Nhưng họ không như vậy, ông nói thêm
[caption id="" align="alignleft" width="157"] Giáo sư danh dự Brian MacMahon - Trưởng Trường YTCC Harvard từ 1958 -1988.[/caption]
“và thế là dù các nhà nghiên cứu có thận trọng trong báo cáo kết luận của nghiên cứu cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải lượng giá thêm kết quả như thế nào, thì hầu hết các hãng thông tấn báo chí cũng sẽ rất ít để tâm đến các lời cảnh báo như vậy. Đến lúc thông tin được phổ biến trong toàn cộng đồng, qua báo chí và các phương tiện nghe nhìn, các lời khuyến nghị mang tính gợi ý từ nghiên cứu lại bị diễn giải thành như một sự thật.”
Đây là điều mà các nhà dịch tễ học gọi là “một liên minh xấu xa" giữa dịch tễ học, các tạp chí chuyên đề và các hãng báo chí thiếu chuyên môn. Walker tại Harvard nói chỉ cần một hai bài báo đầu tiên công bố về một mối liên quan nghi ngờ cũng sẽ "nổi cộm lên trong nhận thức cộng đồng theo một cách mà sẽ không xảy ra trong các lĩnh vực khoa học khác". Và một khi mối liên quan khả nghi này nằm trong tầm mắt của cộng đồng, hầu như không thể nào để gỡ bỏ niềm tin này. Chẳng hạn, đúng như các nhà khoa học đã lo ngại, một nghiên cứu dịch tễ học vào năm 1981 đã bác bỏ được ý kiến là đường saccharine có thể gây ung thư bàng quang - một trong số ít các trường hợp mà các dịch tễ học đã thành công trong việc giải quyết hẳn một mối liên quan nghi ngờ. Tuy vậy 14 năm sau, một chương trình quảng cáo truyền hình cho NutraSweet, chứa chất làm ngọt nhân tạo aspartame, vẫn chào hàng là chất làm ngọt không có saccharine.
Bản thân các nhà dịch tễ học hiện đang thất bại trong việc kiềm chế triệu chứng lo âu trong tuần [“anxiety of the week” syndrome: chỉ việc mỗi tuần lại có một thông tin, thường là trái ngược với trước đó, từ các báo chí nói rằng những gì nên và không nên ăn]. Rất nhiều nhà khoa học, như Rothman, biện luận đơn giản rằng dịch tễ học yếu tố nguy cơ là một ngành khoa học trẻ và sẽ cần thời gian để trưởng thành. Số khác, như Robins, ý kiến rằng trừ phi có một đột phá lớn ở các công cụ phương pháp luận của dịch tễ học, việc trưởng thành sẽ khó đạt được. Áp lực trong công bố các kết quả không thuyết phục và việc háo hức của các hãng thông tấn báo chí trong việc công khai các kết quả, có nghĩa là quả lắc lo lắng, như Foucault nói, sẽ tiếp tục đung đưa không biết đến bao giờ.
Temple của FDA có đưa ra một ý kiến tích cực: mặc dù dịch tễ học yếu tố nguy cơ sẽ không bao giờ là một công cụ sắc bén như các thử nghiệm lâm sàng, các nhà dịch tễ học vẫn có thể lợi dụng để đưa vào một số thực hành khoa học của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. “Điều thú vị thử nghiệm lâm sàng là trong những chừng mực của nó, bạn không phải tin bất cứ ai hay phó mặc cho một ai. Cách tiến hành thử nghiệm lâm sàng có nhóm chứng là tiến cứu (tiến hành theo chiều thời gian); họ đã viết qui trình thực hiện trước khi tiến hành nghiên cứu, và bất kỳ sự lệch hướng nào bạn đưa vào sau đó là hoàn toàn thấy rõ được.” Trong khi các cơ quan như Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) yêu cầu bắt buộc phải có qui trình thực hiện nghiên cứu trong các nghiên cứu tiến cứu trong dịch tễ học yếu tố nguy cơ, thì đây vẫn chưa phải là qui trình chuẩn được áp dụng trong toàn lĩnh vực. Temple nói “Nếu không có nó, bạn luôn luôn tự hỏi không biết có bao nhiêu cách họ đã cắt lọc dữ kiện. Việc kiểm chắc lại là rất khó, vì hiện không có qui tắc nào để thực hiện."
Trong lúc này, Greenland ở Đại học UCLA có đưa ra một lời khuyên nhỏ cho những ai mà ông gọi là “các đồng nghiệp hàng đầu, tôn kính và hiểu biết nhất" của ông. Ông nói
“Không có điều gì sai trái về việc đi tìm và thu thập bằng chứng, như hỏi mọi người uống bao nhiêu rượu bia và kiểm tra các hồ sơ ung thư vú. Không có gì sai trái về việc xem xem các bằng chừng có tương quan với nhau. Không có gì sai trái về việc kiểm tra các yếu tố gây nhiễu. Sai lầm đến từ việc tin vào một giả thuyết nhân quả là đúng bởi vì nghiên cứu của bạn cho ra một kết quả dương tính, hay tin vào điều ngược lại vì nghiên cứu của bạn cho kết quả âm tính.”
Gary Taubes