Đóng góp và bối cảnh của những tiến bộ dịch tễ học [III]: Căn nguyên từ trong bào thai của bệnh tật: sự trở lại của sinh lý học xã hội

February 18, 2014 by Kinh Nguyen

Việc sử dụng các chỉ dấu sinh học làm các chỉ tố của sức khỏe thể chất và kinh tế y tế của xã hội đã có một lịch sử lâu đời. Từ năm 1829, René Villermé đã viết rằng ‘Chiều cao của con người tăng cao hơn và sự tăng trưởng diễn ra nhanh hơn, các điều kiện khác là khá tương đương và tương xứng với sự giàu có của mỗi quốc gia, các tiện nghi trở nên phổ biến hơn, nhà cửa, trang phục và dinh dưỡng tốt hơn, trong khi các công việc nặng nhọc, sự thiếu thốn trong giai đoạn trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ít đi; ... nói cách khác, những tình trạng đi kèm với đói nghèo làm độ tuổi đạt vóc dáng hoàn chỉnh trễ đi và làm chậm sự phát triển chiều cao của người trưởng thành’1, 2.

Tầm vóc thấp cũng đã được coi là một chỉ tố cho một dân số không khỏe mạnh và cũng là biểu hiện khả năng thể chất kém trong trường hợp có xung đột quân sự3. Tương tự, trọng lượng lúc sinh được coi là một chỉ tố quan trọng của sức khỏe dân số, như một nhà chức trách Pháp đã viết ở cuối thế kỷ 19 "Từ quan điểm nhân đạo, từ góc nhìn về sự gia tăng dân số, từ góc nhìn về sự phát triển của giống nòi Pháp, điều cần thiết và khẩn cấp là các cơ quan công quyền phải can thiệp để bảo vệ phụ nữ mang thai trong ba tháng cuối của thai kỳ, và bào thai trong ba tháng cuối của cuộc sống thai nhi của nó".4, 5

Tương tự, những hệ quả sức khỏe tiềm tàng của tình trạng kém phát triển ở giai đoạn trong tử cung và giai đoạn đầu sau sinh cũng đã được thảo luận từ lâu. Vào năm 1913 trong cuốn sách nổi tiếng Sư phạm Nhân học (Pedagogical Anthropology), tác giả Maria Montessori đã gọi cân nặng lúc sinh như một chỉ tố về "sự vệ sinh của một thế hệ" và mức tăng cân nặng của trẻ mới sinh là "một tiên lượng giá trị cho đời sống sau này của đứa trẻ"6. Nói chung, sự ảnh hưởng của những phát triển đầu đời đến sức khỏe sau này đã được coi là kiến thức thường thức trong giới dịch tễ học trong nửa đầu thế kỷ 20. 7

Một số các v.d. cụ thể như trong một báo cáo của một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu năm 1944, Antonio Ciocco kết luận rằng các phát hiện của nghiên cứu này sẽ "củng cố quan điểm được nhiều người tin là bệnh tật ở tuổi trưởng thành thường là do những ảnh hưởng tích lũy trong một thời gian dài của nhiều tình trạng bệnh lý, nhiều biến cố, trong đó một số xảy ra và có thể nhận thấy được trong giai đoạn phôi thai" 8. Thời điểm Ciocco làm việc là lúc mà y học xã hội đang quan tâm rất nhiều đến ảnh hưởng của môi trường xã hội đến sức khỏe và khả năng sinh học của cá nhân. Một v.d. khác, John Ryle đã viết "việc so sánh tầng lớp xã hội này với các tầng lớp xã hội khác theo chiều cao, trọng lượng, hệ thống khám bệnh thường quy, hình ảnh X quang, các khuyết tật phổ biến, và các kiểm tra chức năng tâm lý và thể chất ... sẽ cung cấp nhiều thông tin mà chúng ta có thể học hỏi"9. Một v.d. khác nữa liên quan đến các nhà sáng lập Trung tâm Y tế Peckham nổi tiếng - đây là một dự án thử nghiệm tiên phong trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng toàn diện tại Anh, ngày nay được nhiều người khen ngợi và được coi là một mô hình nên được tái lập lại (đã đóng cửa sau thế chiến thứ II) - cũng tự gọi cuốn sách đầu tiên về công trình của họ là "Các nhà sinh học trong hành trình tìm kiếm tư liệu".10

Các v.d. về các công trình trên cho thấy rõ ràng đã có một cách suy nghĩ chung về sinh học người, theo đó nhìn nhận khả năng thể chất của cá nhân trong một nhóm dân số là kết quả của các quá trình xã hội. Tuy nhiên lĩnh vực này đã không còn được các nhà dịch tễ học quan tâm nhiều sau thế chiến thứ hai, khi trọng tâm chuyển hẳn sang các mô hình hành vi của người trưởng thành và các yếu tố nguy cơ riêng rẽ khác. Tuy vẫn có một số nhà dịch tễ học vẫn tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về nội dung đã phổ biến trước đó, ví dụ như những nghiên cứu chứng minh rằng chiều cao thấp 11,12 hoặc sống thiếu thốn trong giai đoạn thơ ấu 13 có liên quan với nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Tuy vậy, các công trình của David Barker và cộng sự từ giữa những năm 1980 trở đi, cho thấy quá trình phát triển trong tử cung liên quan đến các bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành, đây là những công trình tiêu biểu cho một phát triển mới trong dịch tễ học các bệnh mạn tính. Dấu ấn của công trình này là phát triển cách tiếp cận dựa sâu vào các diễn tiến sinh học tiềm tàng của một cá nhân ngay từ giai đoạn được thụ thai trở đi.


David Barker, là bác sĩ, tiến sĩ và giáo sư về dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Southampton, Anh và giáo sư của Khoa Tim mạch tại Đại học Oregon Health and Science, Mỹ. Ba mươi năm trước ông lần đầu tiên công bố rằng người có trọng lượng lúc sinh thấp có nguy cơ phát triển bệnh mạnh vành nhiều hơn. Năm 1995, Tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal) đặt tên đây là “Giả thuyết Barker.” Hiện nay giả thuyết này đã được chấp nhận rộng rãi. Năm 2010, tạp chí Time gọi đây là một “Khoa học mới.” Công trình của Barker phù hợp với cả các nước phương Tây cũng như các nước đang phát triển. Ở phương Tây, nhiều trẻ em được nuôi dưỡng kém vì chế độ ăn của các bà mẹ không cân bằng giữa các chất dinh dưỡng đa lượng và thiếu chất dinh dưỡng vi lượng, hoặc vì các bà mẹ quá ốm hoặc quá thừa cân. Trong các nước đang phát triển, nhiều cô gái và phụ nữ trẻ trong tình trạng suy dinh dưỡng mạn tính.

Dù cũng đã có nhiều nghiên cứu khoa học cơ bản về sự phát triển trong bào thai và các chỉ tố sức khỏe sau này trên mô hình ở động vật, nhưng các công trình nghiên cứu dịch tễ học đã đóng vai trò khơi dậy mạnh mẽ lĩnh vực nghiên cứu này và giờ đây trở thành chủ đề sôi nổi trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học. Cùng với những tiến triển trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về tăng trưởng bào thai và bệnh tật sau này, hiện đã có sự quan tâm nhiều hơn về diễn biến sinh học trải qua trong cuộc sống và điều kiện xã hội tiến triển với nhau như thế nào.

Sự tiến triển đồng thời của các nghiên cứu trong dịch tễ học, sinh học xã hội và sinh học cơ bản trong lĩnh vực này biểu hiện sự hiệp lực tiềm tàng mà có thể đưa đến các thành quả trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là hiểu biết về gene và môi trường cùng ảnh hưởng lên sức khỏe của một cá nhân và cộng đồng như thế nào.

Phần IV: Lão hoá dân số ở các nước đang phát triển: nghịch lý về sự thành công


  1. Villerme LR. Memoire sur la taille de l'homme en France. Annales d'hygiene publique 1829;1:551–59.  
  2. Tanner JM. A history of the study of human growth. Cambridge: Cambridge University Press, 1981.  
  3. Jordan TE. The degeneracy crisis and Victorian youth. New York: State University of New York Press, 1993.  
  4. Bachimont R-C. Documents pour servir à l'histoire de la puériculture intrautérine. MD Thesis, Faculté de médecine de Paris, 1898.  
  5. Ward WP. Birth weight and economic growth. Women's living standards in the industrialising west. Chicago: The University of Chicago Press, 1993.  
  6. Montessori M. Pedagogical anthropology. London: William Heinemann, 1913.  
  7. Kuh D, Davey Smith G. When is mortality risk determined? Historical insights into a current debate. Social History of Medicine 1993;6:101–23.  
  8. Ciocco A, Klein H, Palmer CE. Child health and the selective service physical standards. Public Health Reports 1941;56:2365–75.
    Medline 
  9. Ryle J. The meaning of the normal. Lancet 1947;i:1–5.  
  10. Williamson GS, Pearse IH. Biologists in search of material. London: Faber and Faber, 1938. 
  11. Gertler MM, Garn SM, White PD. Young candidates for coronary heart disease. JAMA 1951;147:621–25.  
  12. Marmot MG, Rose G, Shipley M, Hamilton PJS. Employment grade and coronary heart disease in British civil servants. J Epidemiol Community Health 1978;32:244–49.  
  13. Forsdahl A. Are poor living conditions in childhood and adolescents an important risk factor for arteriosclerotic heart disease? Br J Prev Soc Med 1977;31:91–95.  

Comments

comments powered by Disqus