Đạo đức trong thống kê

June 5, 2014 by Kinh Nguyen

lie Các qui tắc đạo đức trong khoa học thống kê không thu hút nhiều sự chú ý của công chúng cũng như trong các ngành khoa học mà dựa rất nhiều vào phương pháp thống kê. Tuy vậy các hội nghề thống kê cũng đã đánh giá các vấn đề đạo đức trong việc thực hành thống kê và đã có một hướng dẫn từ lâu trong nghề. Hội Thống kê Mỹ (ASA), Hội thống kê Hoàng Gia Anh (RSS) và Viện Thống kê Quốc tế (ISI) đã công bố các hướng dẫn về đạo đức nghề nghiệp cho các thành viên của mình. Các hướng dẫn này tương đồng nhau trên cả nội dung và tinh thần.

ASA là hội nghề nghiệp lâu đời nhất ở Mỹ, Ủy ban Đạo đức nghề nghiệp của hội đã sớm nhận thức được các lợi ích và nguy hại tiềm tàng trong việc sử dụng các phương pháp thống kê trong khoa học và chính sách công. Các trường hợp mà việc tư duy thống kê có thể bị sử dụng sai không chỉ giới hạn trong các thử nghiệm lâm sàng và các lĩnh vực khác trong y khoa mà cả trong những phát hiện thống kê được trình bày như bằng chứng trong các phiên toà hay trong một số vấn đề chính trị.

Các hướng dẫn của ASA và RSS không trình bày các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cơ bản một cách trực tiếp như những gì được qui định về quyền lợi của bệnh nhân trong các nghiên cứu y khoa, hay những hướng dẫn trực tiếp của thử nghiệm lâm sàng. Tuy vậy, thông điệp phía sau của những hướng dẫn có rất nhiều cấu phần tương đồng và liên quan với thực hành thống kê, nhất là trong thử nghiệm lâm sàng. Những vấn đề cơ bản bao gồm (1) năng lực của nhà nghiên cứu, (2) trình bày các xung đột tiềm tàng, (3) sự bảo mật, (4) cơ sở về phương pháp và (5) sự công khai. Các hướng dẫn của ASA 1 được tóm tắt trong bài này, với hướng dẫn chi tiết cũng như của RSS, ISI có thể xem thêm ở trang của các cơ quan này.

Tổng quát

Nhà thống kê có trách nhiệm duy trì sự liêm chính trong thực hành, nhất là khi những quyền lợi cá nhân có thể ảnh hưởng không phù hợp tới sự phát triển hay ứng dụng kiến thức thống kê (tiềm tàng các xung đột về quyền lợi). Nhà thống kê nên

  • Trình bày chân thực và khách quan các phát hiện và cách diễn giải
  • Tránh các phát biểu trái sự thật, lừa dối hoặc không có cơ sở
  • Công khai các xung đột về quyền lợi

Thu thập dữ kiện

Thu thập dữ kiện cho một điều tra thống kê có thể tạo gánh nặng cho người tham gia, có thể coi là một xâm phạm về đời tư và đòi hỏi xem xét pháp lý về tính bảo mật. Nhà thống kê cần

  • Chỉ thu thập những dữ kiện cần thiết cho mục đích của cuộc điều tra;
  • Cho mỗi người tham gia biết về thông tin tổng quát và người chịu trách nhiệm của cuộc điều tra và ý định sử dụng dữ kiện;
  • Minh chứng ý định bảo mật thông tin thu thập, cố gắng đảm bảo rằng những ý định đó thực sự phản ánh khả năng có thể làm được, cho biết rõ những cam kết về sự bảo mật cũng như những hạn chế tiềm tàng cho người tham gia;
  • Đảm bảo rằng những phương tiện để bảo vệ tính bảo mật là thích đáng với phạm vi đã cam kết hoặc đã dự định, rằng việc xử lý và sử dụng dữ kiện tuân theo những gì đã cam kết, rằng sẽ quan tâm thích đáng với các thông tin nhận dạng (sử dụng những bước để hủy các thông tin này hoặc loại bỏ khỏi tệp tin khi không còn cần thiết trong truy vấn) và rằng các kĩ thuật thích đáng sẽ được áp dụng để kiểm soát việc lộ thông tin;
  • đảm bảo rằng bất cứ khi nào dữ kiện được chuyển cho người khác hay tổ chức khác, việc này phải tuân theo những cam kết về bảo mật đã định và đòi hỏi đảm bảo bằng giấy tờ từ người nhận dữ kiện rằng những phương pháp được sử dụng để bảo mật sẽ ít nhất phải bằng với những cam kết gốc.

Sự công khai

Các phân tích thống kê phải công khai để đánh giá chất lượng và sự phù hợp, những đánh giá này có thể đòi hỏi việc giải thích các giả định, phương pháp và xử lý dữ kiện sử dụng trong nghiên cứu. Nhà thống kê nên

  • Phác họa các giới hạn của cuộc điều tra cũng như giới hạn của những suy diễn thống kê có được từ kết quả phân tích;
  • Nhấn mạnh rằng phân tích thống kê là một cấu phần thiết yếu của một nghiên cứu và cần được công nhận như tất cả các cấu phần thiết yếu khác;
  • Cần trình bày nguồn dữ kiện sử dụng trong nghiên cứu, nắm được những điểm sai trong dữ kiện và những bước đã thực hiện để hiệu chỉnh hay làm sạch dữ kiện cũng như quy trình thống kê đã áp dụng trong dữ kiện và những giả định cần thiết để áp dụng phương pháp phân tích;
  • Dữ kiện cần sẵn sàng để các bên có trách nhiệm có thể phân tích lại, với những qui định bảo mật phù hợp;
  • Nhận thức rằng việc chọn lựa phương pháp thống kê trong một chừng mực nào đó là phụ thuộc cách nhìn và các nhà thống kê khác có thể chọn các phương pháp khác;
  • Hướng những phê bình về một nghiên cứu vào những phương pháp nghiên cứu được sử dụng chứ không phải những cá nhân thực hiện.

Quan hệ với khách hàng

Một khách hàng hay người thuê khoán có thể không quen với thực hành thống kê và phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thống kê về những lời khuyên chuyên môn. Nhà thống kê nên

  • Cho biết rõ khả năng của mình có thể đảm đương công việc;
  • Cho khách hàng hoặc người thuê khoán biết tất cả các nhân tố có thể ảnh hưởng hoặc xung đột với sự công bằng của họ;
  • Không chấp nhận thù lao để sắp xếp kết quả có lợi;
  • Hoàn thành mọi cam kết trong bất cứ yêu cầu nào mình đảm nhận;
  • Áp dụng các phương pháp thống kê không nhằm mục đích cho các kết cuộc thuận lợi
  • Nói rõ, chính xác và đầy đủ cho khách hàng các đặc điểm của các phương pháp thống kê thay thế khác song song với phương pháp đã áp dụng, cũng như lợi ích và hệ quả của tất cả các cách tiếp cận
  • Không tiết lộ thông tin cá nhân hoặc thông tin thuộc về khách hàng hiện tại cũng như trong quá khứ mà không có sự chấp thuận.

  1. http://www.theasa.org/ethics/guidelines.shtml 

Comments

comments powered by Disqus