Vi - Ký sinh trùng
September 6, 2016 by Kinh Nguyen
Ký sinh trùng có ở khắp mọi nơi. Phần lớn các sinh vật sống là ký sinh ở dạng này hay dạng khác và đó là những phương thức sống ưu thế trên trái đất. Vì hầu hết các sinh vật sống là ký sinh trùng, ngay cả ký sinh trùng cũng có ký sinh trùng. Bọ chét to có bọ chét nhỏ cắn trên lưng, và bọ chét nhỏ có bọ chét nhỏ hơn.
Có hai cách để nghĩ về các loại ký sinh trùng chúng ta gặp phải. Đầu tiên là qua hệ thống phân loại chia tất cả các tác nhân gây bệnh và ký sinh trùng vào các nhóm tùy theo mối liên quan với các sinh vật khác, v.d. virus, vi khuẩn, giun sán, bọ chét, ve, v.v.. Các nhóm này phân loại dựa trên xem xét xem chúng có liên hệ huyết thống gần nhau đến mức nào, chứ không thông qua hình thức của nó. Vì vậy, dù dơi và chim đều bay, nhưng một là một động vật có vú và một là chim.
Cách thứ hai là phân chia theo chức năng phản ánh các đặc tính sinh học cơ bản. Trong trường hợp này, ta đơn giản chia thành hai nhóm là vi ký sinh (trùng) và (đại) ký sinh trùng. Giống như tên gọi, vi là nhỏ còn ký sinh trùng thì kích cỡ lớn hơn. Nhưng không chỉ là kích cỡ khác nhau mà cách sống của chúng cũng rất khác nhau. Hai nhóm có đặc tính sinh học rất khác nhau dẫn đến dịch tễ học của chúng cũng rất khác nhau. Vi ký sinh phân chia bên trong cơ thể vật chủ, trong khi ký sinh trùng có một giai đoạn lây truyền riêng biệt bên ngoài vật chủ.
Với ký sinh trùng, khi đã vào cơ thể vật chủ là chúng thường sẽ không phân chia thêm. Do đó, tác động của ký sinh trùng thực sự là hàm (hàm số theo nghĩa toán học, sẽ gặp trong các bài viết về mô hình bệnh truyền nhiễm về sau) của số ký sinh trùng có trong vật chủ. Nhiễm một số ít ký sinh trùng, cơ thể vật chủ có thể chịu đựng được, nhưng càng nhiều bệnh càng nặng và có khả năng gây chết người. Hệ quả là vật chủ thường sẽ bị nhiễm trùng ở mức nhẹ, và ký sinh trùng có xu hướng gây ra triệu chứng bệnh lý hơn là tử vong. Do cơ thể vật chủ có thể thích ứng với mức độ nhiễm ký sinh trùng vừa phải, các bệnh này có thể kéo dài cả đời người. Một nghiên cứu về sán dây ký sinh trên chuột cho thấy sán dây đã sống sót qua nhiều đời chuột: các nhà nghiên cứu đã di chuyển sán dây từ chuột này sang chuột khác khi chuột chết ít nhất năm lần và sán dây vẫn tiếp tục sống.
Ngược lại, nhiễm vi ký sinh gây ra nhiễm trùng ngắn hạn dẫn đến khủng hoảng trong cơ thể mà có thể hồi phục được hoặc dẫn đến tử vong. Ví dụ virus cúm phân chia bên trong cơ thể người bằng cách biến các tế bào của bạn thành nhà máy sản xuất virus ra nhiều virus hơn. Virus nhỏ hơn hàng trăm lần so với tế bào người và chúng chỉ phát triển trong tế bào nguyên vẹn. Nhiều bệnh ở người như cảm lạnh, HIV, sởi và Herpes là do virus.
Nhưng cũng có nhiều dạng ký sinh trùng khác như vi khuẩn, nấm, thực vật. Thậm chí dạng nhỏ hơn virus là prion. Đây là các protein được gấp theo cách bất thường cho phép chúng có khả năng lây nhiễm. Chỉ có một số prion là ký sinh, và có thể gây ra bệnh đáng sợ như bệnh Scrapie ở cừu, bệnh bò điên, và các bệnh suy nhược ở người như bệnh Creutzfeldt-Jakob, Kuru. Bệnh Kuru có nghĩa là “cười” trong tiếng Papua New Guinea, lây lan khi người ăn não của người khác! (mọi người nên tránh :D). Prion không phải là thể sống nhưng chúng có thể phát triển.
Vi khuẩn thường lớn hơn nhiều so với virus. Tuy nhiên các virus lớn nhất thì lớn hơn so với các vi khuẩn nhỏ nhất. Nhiều vi khuẩn là rất có lợi cho người, số khác thì sống trên người theo kiểu hội sinh, không gây hại cũng không có lợi. Nấm cũng là vi sinh vật vì chúng có thể xuất hiện ở giai đoạn đơn bào. Con người chúng ta hàng ngày hít vào hàng triệu bào tử nấm và hệ thống miễn dịch của chúng ta là không ngừng chiến đấu với chúng. Đối với bệnh nhân AIDS, do hệ thống miễn dịch bị tàn phá họ có thể bị giết chết bởi các bệnh nấm mà vốn là lành tính ở người khỏe mạnh.